CHÚ MINH TRƯỞNG TỘC – TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU CHO NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT
Tam Vinh
2023-06-02T09:18:14-04:00
2023-06-02T09:18:14-04:00
https://tamvinh.gov.vn/hoc-tap-va-lam-theo-loi-bac/chu-minh-truong-toc-tam-guong-tieu-bieu-cho-nguoi-tot-viec-tot-166.html
https://tamvinh.gov.vn/uploads/news/2023_06/untitled-1.png
Trang thông tin điện tử Xã Tam Vinh, Huyện Phú Ninh, Tỉnh Quảng Nam
https://tamvinh.gov.vn/uploads/banner-trang-tin_1.png
Thứ năm - 01/06/2023 21:50
Thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn thôn Tân Quý trong những năm gần đây thật sự có nhiều khởi sắc. Đến nay, diện mạo quê hương dần thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Để có được thành tựu đó, ngoài những vị lãnh đạo chủ chốt, cán bộ nòng cốt trên địa bàn, đóng vai trò rất lớn cho diện mạo quê hương không thể không kể đến những con người có những đóng góp thầm lặng, có đạo đức và lối sống cao cả, tên tuổi tuy không được vinh danh trên các phương tiện đại chúng nhưng lại để cho biết bao người xung quanh phải học tập và noi theo. Tiêu biểu cho tấm gương người tốt việc tốt tại thôn nhà phải nhắc đến chú Lê Văn Minh – Trưởng tộc họ Lê.
Sơ lược đôi nét về chú Minh
Chú Minh tên đầy đủ là Lê Văn Minh, sinh năm 1975, quê quán tại tổ 2, thôn Tân Quý, xã Tam Vinh. Thế hệ của chú đa số đều sinh ra từ gia đình đông anh em, có truyền thống làm nông và trình độ học vấn chỉ ở mức phổ cập giáo dục. Trong cuộc sống chú là người luôn quan tâm, đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn, đi sâu tìm hiểu cuộc sống của những mãnh đời kém may mắn ở thôn nhà. Trên cương vị là trưởng tộc họ Lê, với đa số con cháu trong tộc sống tại thôn Tân Quý, chú cùng với các anh chị trong ban điều hành tộc họ thường xuyên xem xét và kêu gọi giúp đỡ cho những hộ đang gặp khó khăn của tộc họ nói riêng và của thôn nói chung. Với gánh nặng trên vai đang nuôi 2 con học đại học, công việc của chú là thợ xây, công việc vất vả nhưng mức thu nhập khá bình thường. Thêm vào đó là những trăn trở mong muốn giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn, không khỏi thương chú với mái tóc lấm tấm hoa tiêu, khuôn mặt khắt khỏa và hơn tất cả là tinh thần “sống luôn nghĩ đến mọi người” của chú.
Tinh thần nhiệt huyết – Những đóng góp cho người dân
Với những bộ bề của cuộc sống thường nhật, tưởng chừng một người nông dân không có trình độ học vấn cao, vất vả lo ăn lo mặc cho cả gia đình, chú Minh cũng là “thường tình” sống lặng lẽ như bao người. Ấy vậy mà, con người tưởng chừng “thường tình” ấy lại có tinh thần trách nhiệm với dòng tộc, tấm lòng tương thân tương ái và ý thức chấp hành chủ trương của nhà nước lớn đến thế. Chắc có lẽ xứ mệnh họ được sinh ra để làm những việc lớn lao một cách không khoa trương đấy !
Khi chọn chú Minh để viết bài thi về gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, chú đã rất đắn đo. Với chú, những công việc chú làm cho mọi người xuất phát từ chính cái tâm của một người cùng quê, giúp đỡ trong khả năng của bản thân, những việc ấy không cần phải kể lễ. Chú bộc bạch: “Mấy việc chú làm ai họ cũng có thể làm con ơi, người khác họ không có thời gian làm thôi, chứ mấy việc ấy mà viết bài làm gì. Chú làm vì chú cảm thấy bản thân thật sự hạnh phúc và mãn nguyện thôi con. Phần về trách nhiệm là trưởng tộc thì chú phải quan tâm đến con cháu dòng tộc, còn sống ở đâu thì cũng phải tuân thủ theo pháp luật, trong các cuộc họp của tộc họ chú lồng ghép với các chính sách của thôn, đảm bảo con cháu trong tộc họ luôn chấp hành.” Chú nói thêm, “Con có viết về chú thì đừng có viết những việc chú giúp đỡ những hộ kỹ quá nghe, sợ bà con đọc được họ cười chú chết, con viết cái tinh thần của người nông dân tại thôn thôi nghe, để lan toả tinh thần tốt đẹp nghe con”.
Với suy nghĩ đơn giản, mộc mạc ấy, những năm qua chú Minh đã vận động kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, bà con trên địa bàn xã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh. Nhà bà Suốt là một trong những hộ được chú giúp đỡ, cũng là con cháu tộc Lê. Bà Suốt thời trẻ lấy chống về thôn Tân Quý, gia đình đông con cháu nhưng đều khó khăn cả. Đến năm bà hơn 80 tuổi, trong dịp ăn cổ tại Tộc họ, chú Minh hỏi thăm thì mới biết là bà vẫn chưa nhận chính sách người già tại xã. Đến nay bà vẫn chưa có căn cước công dân, chưa có tên trong sổ hộ khẩu gia đình nên không thuộc diện được hưởng chính sách của xã. Lặn lội mấy tháng trời, liên hệ vào quê cũ Đồng Nai để xin thông tin, được sự hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ xã nhà, chú đã làm căn cước công dân và đưa vào hộ khẩu của gia đình cho bà Suốt, giúp cho bà Suốt được hưởng chính sách người già, trang trải thêm cuộc sống khó khăn. Chị Lê Thị Minh Nguyệt là con gái bà Suốt, với cảnh một nách hai con, chị không có nhà để ở, phải ở nhà mượn của người quen. Nhìn cảnh hai đứa nhỏ đang tuổi học phải cùng mẹ trong căn nhà mượn đã xuống cấp, chú Minh cảm thấy vô cũng thương xót. Được sự đồng ý của tộc họ, chú đã đứng ra xin hỗ trợ tiền cho chị Nguyệt cất nhà. Nhưng số tiền từ người tộc họ và xã hỗ trợ không nhiều, phần về phần đất xây nhà chưa được cấp sổ đỏ, còn nằm trong sổ chung của hộ gia đình. Chú phối hợp với cán bộ thôn, xã hoàn thiện pháp lý cho thửa đất cất nhà cho chị Nguyệt. Khó khăn trong việc xin kinh phí xây nhà, chú quyết định tranhh thủ thời điểm tết nguyên đáng đi từng hộ dân tại thôn để xin hỗ trợ. Sau thời gian miệt mài cuối cùng chị Nguyệt cũng có mái ấm riêng là nơi ở cho 3 mẹ con. Thôn trưởng tạo điều kiện cho chị Nguyệt thu rác thải tại một số tổ của thôn đã phần nào giúp chị Nguyệt ổn định cuộc sống và chăm lo tốt hơn cho các con. Thêm một trường hợp khó khăn được chú giúp đỡ là hộ anh Lê Văn Phúc. Anh Phúc quê quán tại thôn tuy nhiên những năm trước anh và vợ con lên Phước Sơn làm ăn. Khi vợ anh qua đời vì bệnh tật anh cùng 2 con về sống tại Thôn. Cuộc sống quá khó khăn, vợ đã mất và mẹ anh mới qua đời, một mình gồng gánh nuôi 2 con ăn học, anh Phúc suy nghĩ quẩn trí đã tự tử nhưng không thành. Chi phí chữa trị cao, kéo dài và về sau anh giảm khả năng lao động, chú Minh đã đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân, bà con lối xóm chung nhau ít tiền hỗ trợ gia đình lo cho anh Phúc. Chú Minh xin phép gia đình anh Phúc viết thư kêu gọi hỗ trợ, số tiền quyên góp được chú đã kê khai rõ ràng, trao tận tay cho gia đình anh Phúc. Bên cạnh những việc làm thiện nguyện, với tư cách là trưởng tộc họ Lê, tại các cuộc họp của tộc, chú luôn lồng ghép các chính sách, chủ trương của nhà nước cho con cháu tộc họ nắm và tuân thủ. Chú rất chú trọng công tác giáo dục, trong tộc phấn đấu không có con cháu bỏ học giữa chừng, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự và hằng năm đều có chỉnh sách tuyên dương khen thưởng cho con cháu tộc họ có thành tích học tập tốt, có huy chương tại các cuộc thi thể dục thể thao.
Quả thật những việc chú Minh đã đóng góp cho thôn nhà đáng được ghi nhận. Một ngọn nến không thể biết nó có thể sáng bao xa khi chúng ta chưa thắp nó lên. Có thể những việc chú làm không quá lớn lao nhưng đã góp phần cải thiện biết bao cuộc đời.
“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy” – Mark Twain. Thứ ngôn ngữ mà chúng ta cần đặt trái tim vào để cảm nhận sâu sắc. Ở đây, tác giả đưa ra những trường hợp được chú Minh giúp đỡ không nhằm mục đích kể lễ công trạng của cá nhân, không nhằm khơi dậy nỗi đau của người khác, chúng ta nêu ra để cảm nhận rõ nét về tấm lòng và tinh thần đáng khích lệ của chú Minh và để biết rằng đâu đó tại thôn nhà vẫn còn rất nhiều những trường hợp cần giúp đỡ. Và để nhân dân thôn nhà hiểu rằng “chúng ta đã trao đi một chút yêu thương cho người khác đúng địa điểm”.
Chú Lê Văn Minh (người thứ nhất từ phải sang) trong buổi trao tiền của các mạnh thường quân quyên góp cho hộ gia đình khó khăn trên địa bàn thôn Tân Quý.
Bên cạnh những việc làm thiết thực cho bà con nhân dân, chú Minh là một công dân gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các chính sách chủ trương của nhà nước, điển hình là phong trào xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp theo Chỉ thị số 13/CT/HU ngày 13/5/2021 được cụ thể tại Kế hoạch số 36/KH-HU ngày 26/5/2021 của Huyện Uỷ Phú Ninh. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng của Thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngay sau khi được cán bộ Thôn, Xã phổ biến, chú Minh bắt tay vào công việc. Chú lắng nghe, tìm hiểu những quy định về nội dung, thời gian và cách thức thực hiện, triển khai trước tiên tại gia đình mình. Được cán bộ Thôn thống nhất cách làm đạt chuẩn tại gia đình, chú hăng hái cùng hướng dẫn cho mọi người thuộc đối tượng thực hiện của Chỉ thị và Kế hoạch. Cụ thể những công việc có thể kể đến như: treo cờ đúng quy định trong các ngày lễ, cải tạo vườn, đảm bảo vệ sinh từ bếp ra cổng, tự phân loại rác và tái chế rác thải hữu cơ tại nhà,…. Chú không những chấp hành tốt các quy định tại gia, ở nhà thờ Tộc Lê chú đều đặn 2 ngày quét rác, dọn dẹp một lần, cứ như thế nhà thờ lúc nào cũng sạch sẽ, tươm tất, trang nghiêm. Những việc làm “tai nghe, mắt thấy, tay làm” của chú nay đã trở thành thói quen, đã giúp cho Chỉ thị 13 và Kế hoạch 36 mang tính chiều sâu, thiết thực cho cuộc sống thường nhật của nhân trên địa bàn thôn. Cái tưởng chừng là đơn giản đó đối với một vùng quê còn mang nặng tư tưởng trọng nam thật sự là một hành động đáng khích lệ. Một người đàn ông cũng hằng ngày “cầm bay xây nhà”, hết ngày làm việc lại cần mẫn chăm cây vườn, “cầm chổi” quét dọn thì không phải ai cũng làm được như chú Minh. Phải có những người như chú Minh thì mới có một xu hướng “kéo gần thành phố về quê” và đúng như vậy, hiện nay thì khoảng cách mức sống, trình độ văn minh giữa thành thị và nông thôn đã rút ngắn rất nhiều. Diện mạo thôn nhà đã thay đổi tích cực.
Giá trị cao đẹp từ những việc làm thiết thực của chú Minh
William Wordsworth từng nói “Phần đẹp nhất trong đời một người tốt là những hành động tử tế và yêu thương nhỏ bé, vô danh, không được nhớ đến”. Những việc làm đầy ý nghĩa của chú Minh đã phần nào lột tả được câu nói của William Wordsworth. Chú cũng là một người làm nông bình thường tại thôn, cũng hằng ngày lo toang gánh nặng nuôi con cái thành người, gánh nặng cuộc sống cũng như bao người, từ đó để thấy rằng, dù chúng ta là ai thì đều có thể thực hiện những điều tử tế cho cuộc sống. Việc tốt xuất phát từ trong cách suy nghĩ, được cụ thể hoá qua hành động và rồi chính những việc làm tưởng chừng là “nhỏ nhặn” đã tạo động lực cho nhiều người, nhiều thế hệ. Từ đó lan rộng tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người không may mắn hơn bản thân, thích làm những việc đúng đắn, góp phần xây dựng một hình ảnh thôn Tân Quý “ấm lòng người nghèo, giàu tình người nhân ái”.
Bởi lẽ, không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại.
Nguồn tin: Bà Nguyễn Thị Hoa Đào - Đảng viên Chi bộ thôn Tân Qúy